Ăn dặm – bước tự lập đầu đời
Bé bước vào giai đoạn bé ăn dặm nghĩa là mẹ và cả nhà cùng bước vào một con đường mới mẻ với nhiều khám phá thú vị cùng bé yêu. Đây là một bước tiến để bé bắt đầu “tự lập”, tách khỏi nguồn sữa mẹ và phát triển dựa vào những nguồn dinh dưỡng khác nữa. Từ tháng thứ 6, cơ thể bé mới tiết ra enzyme có chức năng tiêu hóa các loại thức ăn khác ngoài sữa, đồng thời lượng sắt được truyền từ mẹ sang khi bé chào đời đã cạn kiệt qua 6 tháng đầu đời, nên bé cần bù đắp thêm cho sự phát triển của mình.
Để dễ dàng tập cho bé ăn dặm, mẹ lưu ý vài điều sau đây nhé:
- Phân biệt rõ ràng giờ ăn và giờ chơi. Việc này nhằm giúp bé tập trung vào việc ăn khi giờ ăn đến, tránh gây hại cho hệ tiêu hóa của bé. Mẹ có thể tham khảo các mốc giờ ăn như sau:
- Chọn một vị trí phù hợp cho việc ăn dặm của bé, ví dụ như một nơi gần nhà bếp để mẹ có thể hâm nóng đồ ăn và bưng dọn ra bàn dễ dàng, nơi nào gần vòi nước để mẹ có thể dễ giặt khăn lau cho bé và dọn dẹp “bãi chiến trường” sau khi bé tập ăn. Đừng ngại cho bé vấy bẩn mẹ nhé, quá trình “lấm bẩn” này giúp bé khám phá nhiều điều thú vị quanh việc ăn dặm lắm đấy!
- Chuẩn bị cho bé một bộ bàn ghế để bé ngồi ăn “chỉnh chu”. Trên thị trường hiện có bán nhiều loại ghế ăn cho bé – loại phù hợp cho bé dưới 3 tuổi để mẹ có thể lựa chọn. Hoặc mẹ có thể nhờ đóng một bộ ghế ăn có khay để thức ăn cho bé. Với bé mới 6 tháng tuổi, nên chọn loại ghế có thể đỡ được đầu của bé vì có thể bé vẫn chưa thể tự ngồi vững vàng.
Việc thiết lập tư thế ngồi cho bé khi ăn là điều rất quan trọng, khi cổ bé chưa cứng, mẹ có thể cho bé dựa vào mẹ để ăn. Khi bé đã cứng cáp hơn, bé có thể ngồi đối diện với mẹ để bé có cảm giác mình cũng có một không gian độc lập, khuyến khích tính tự lập sớm ở trẻ.
- Chọn cho bé một bộ chén dĩa ăn phù hợp. Đây là điểm thú vị để mẹ tham khảo. Đa số các mẹ sẽ chọn cho bé những bộ đồ ăn bằng nhựa với nhiều hình thù khác nhau để giúp bé hào hứng hơn với bữa ăn của mình, tránh gây đổ vỡ. Nhưng một số các mẹ khác lại chọn những bộ chén bát thủy tinh như đề nghị của phương pháp Montessori, mặc dù thủy tinh rất dễ vỡ và chắc chắn bé yêu của mẹ sẽ làm vỡ nhiều món đồ trong quá trình tập ăn dặm của mình, tuy nhiên việc này giúp cho bé dần dần hiểu được rằng, một khi những cái dĩa, cái chén thủy tinh kia bị vỡ thì không thể phục hồi được, và qua thời gian, bé sẽ trở nên cẩn thận hơn. Thêm vào đó, chén dĩa thủy tinh có thể giúp cho bé nhìn thấy đồ ăn được rõ ràng hơn, giúp bé nhận biết đồ ăn tốt hơn và tăng khả năng quan sát của bé. Tùy vào sự chọn lựa của mẹ để cho bé yêu những đường hướng phát triển nhận thức khác nhau mẹ nhé!
Sẽ thật tuyệt nếu bé được “sở hữu” hẳn một bộ chén bát riêng của mình đấy, vì bé sẽ tập được thói quen, khi nhìn thấy bộ chén ăn là biết ngay giờ ăn đã đến!
- Mẹ tìm mua loại muỗng thật nhỏ, tốt nhất là chọn loại muỗng nhỏ chuyên dùng cho bé ăn dặm, để cho bé tập những muỗng ăn đầu tiên được dễ dàng. Mẹ sẽ dễ dàng giới thiệu từng hương vị một cho bé với một chiếc muỗng vừa với miệng của bé lúc ăn. Và cũng dễ hơn cho bé khi cầm nắm muỗng của mình để “vọc” đồ ăn nữa đấy! Đừng ngại cho bé thoải mái cầm muỗng và tự xúc đồ ăn của mình, đó là cách để bé học ăn và tìm thấy sự hứng thú bên những món ăn mẹ đã chuẩn bị sẵn. Mọi hành động của con đều là một bước quan trọng trong quá trình khám phá thế giới xung quanh, mẹ hãy cùng đồng hành với bé nhé!
Ngoài ra, mẹ còn có thể cần đến những chiếc dĩa xinh xắn để bày biện món ăn bắt mắt, những chiếc ly nhỏ để bé tập uống nước, những đôi yếm đeo cổ để tránh vương vãi đồ ăn vào người bé,… Tất cả chỉ để phục vụ cho công cuộc tập ăn dặm của bé yêu được tốt hơn.
- Trước khi đặt bé vào bàn ăn, mẹ hãy cố gắng chuẩn bị bữa ăn thật sẵn sàng, tránh việc để bé ngồi chờ lâu trong ghế mà chưa được ăn sẽ khiến bé mau chán và dễ phản ứng lại với mẹ lúc ăn. Mẹ cũng có thể cho bé thấy mình “làm mẫu” ăn như thế nào để bé học theo nữa đấy. Nhớ đừng để bé thấy cảnh mẹ vừa đứng vừa ăn trong bếp trong suốt bữa ăn của bé nhé. Có thể cho bé ngồi chung mâm cơm gia đình, chú ý đặt bé ở vị trí thật thuận lợi để bé quan sát thấy bố mẹ, ông bà đang ngồi ăn uống như thế nào, cầm đũa muỗng ra sao, mọi người đang làm gì với đôi tay của mình… Sau khi ăn xong, mẹ cũng nên chậm rãi lau dọn để bé quan sát nhé, vì “quan sát viên” của chúng ta sẽ học rất nhanh đấy!
Mẹ thường bận rộn lo bữa ăn cho bé và cho cả gia đình, vậy nên, mẹ có thể chọn thời gian cho bé ăn sao cho hợp lý nhất. Từ 4-6 tháng tuổi, bé chỉ cần ăn 1 bữa/ngày. Từ 6-8 tháng tuổi, bé có thể ăn 2 bữa/ngày. Và trên 9 tháng, bé nên ăn 3 bữa/ngày. Để những bữa ăn được chuẩn bị nhanh chóng, thuận tiện mà vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, mẹ có thể sử dụng Bột ăn dặm với nhiều hương vị thơm ngon khác nhau để giúp cho giai đoạn tập ăn dặm của bé được phong phú và tốt đẹp hơn nữa nhé. Giai đoạn đầu, mẹ có thể cho bé ăn bột ngọt có hương vị rất gần với sữa mẹ như Yến mạch sữa, Gạo sữa, Gạo trái cây. Khi bé từ 7 tháng tuổi trở đi thì có thể ăn bột mặn với các vị Yến mạch gà đậu Hà Lan, Bò rau củ, Gà rau củ, Heo bó xôi, Heo cà rốt. Điều quan trọng nhất là mẹ đừng đặt nặng áp lực “con ăn được bao nhiêu hôm nay”. Tập cho bé ăn dặm là cả một quá trình cho mẹ và bé cùng vui cùng khám phá. Hãy làm cho bé luôn thích thú với giai đoạn ăn dặm này mẹ nhé! Khi mà bước tự lập đầu đời này được hình thành vững vàng, bé con của mẹ sẽ dễ ăn dễ uống, nạp dinh dưỡng đầy đủ và hiệu quả, bé sẽ có nền tảng tốt cho những bước phát triển tiếp theo của mình đấy!
Theo ThS. Nguyễn Thuý Uyên Phương
Chuyên gia giáo dục & phát triển vận động cho trẻ