Cẩm nang phát triển bé 3 tháng tuổi
Tháng này em bé có thể biết lật người và thực hiện động tác “hít đất” khá giỏi. Sự phát triển của trẻ 3 tháng tuổi còn nhiều điều khác khiến bạn bất ngờ.
Đặc trưng phát triển bé 3 tháng tuổi
Từ 2 – 3 tháng tuổi | |
Chiều dài | Bé trai: 58,4 – 67,6cm; trung bình: 63cm; Bé gái: 57,2 – 66cm; trung bình: 61,6cm |
Cân nặng | Bé trai: 5,4 – 8,5kg; trung bình: 6,9kg; Bé gái: 5 – 7,8kg; trung bình: 6,4kg. |
Vòng đầu | Bé trai: 38,4 – 43,6cm; trung bình: 41cm; Bé gái: 37,7 – 42,5cm; trung bình: 40,1cm |
Vòng ngực | Bé trai: 37,4 – 45,3cm; trung bình: 41,4cm; Bé gái: 36,5 – 42,7cm; trung bình: 39,6cm |
Thóp | Thóp trước vẫn còn và không có thay đổi gì rõ rệt. Do đây là thời kỳ quan trọng của quá trình khép lại của hộp sọ nên đường khớp và thóp sau đã khít lại. |
Phát triển bé 3 tháng tuổi theo tuần
Tuần 9:
Bước vào tuần đầu tiên của tháng thứ 3, thế giới xung quanh dường như trở nên sống động hơn nhiều với âm thanh vui nhộn. Âm nhạc sôi động có thể khiến bé vui vẻ hơn, nhất là các bài hát hoặc đoạn nhạc tông cao. Giọng nói của mẹ cũng là âm thanh rất thu hút, bạn sẽ thấy bé nhìn chằm chằm vào mình mỗi khi bạn trò chuyện với con, và bé còn có thể “hồi âm” cho bạn bằng những âm thanh rất đáng yêu, mà bạn chẳng thể hiểu được.
Bạn có thể giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ bằng cách nói chuyện với con cả ngày hoặc bất cứ khi nào bạn có thời gian. Đọc truyện cho bé nghe cũng là một ý kiến hay, mặc dù bé chưa sẵn sàng để hiểu những câu chuyện này, bé đang bắt đầu xây dựng một ngân hàng từ vựng cho mình.
Tuần 10:
Trong tuần này, bé có thể nhận thấy gương mặt của ba mẹ trong số một nhóm người. Một khi nhận ra khuôn mặt thân quen của ba mẹ, hoặc một gương mặt nào đó tương tự, bé sẽ mở tròn xoe mắt và mỉm cười hân hoan. Để tăng tình cảm gắn bó giữa bé và các thành viên khác trong gia đình, bạn có thể cho bé “góp mặt” vào các bữa ăn gia đình.
Tuần 11:
Ở thời điểm này, em bé thường ngủ ít hơn và thức dài hơn. Bé sẽ cảm thấy yêu thích vận động nhiều hơn. Nếu bạn cho bé nằm sấp, bé có thể khiến bạn bất ngờ khi tự mình chống đẩy phần thân trên, thậm chí, bé có thể lật người nằm ngửa trở lại. Điều này là nhờ cơ hông, đầu gối và khuỷu tay của bé đã trở nên cứng cáp và linh hoạt hơn, giúp bé dễ dàng lật người hơn.
Bé có biểu hiện rất năng động trong thời gian này. Bé sẽ hoa chân múa tay liên tục. Nếu bạn ẵm cho bé đứng trên mặt đất hoặc trên giường, bé sẽ đạp chân liên tục xuống bề mặt này.
Tuần 12:
Bé phát hiện ra niềm vui bất tận mới – đó là đôi bàn tay của bé. Khi bé nhận ra, các ngón tay và ngón cái là những vật tách biệt nhau, bé các thể tách rời chúng ra, các cô cậu nhóc sẽ hứng thú chơi với bàn tay của mình cả ngày. Bé có thể vỗ hai tay vào nhau, mở rộng bàn tay để chơi đùa với các ngón tay, hoặc nắm đấm tay lại, và đập vào một món đồ chơi đang treo lơ lửng trước mặt.
Để giúp cho bé cảm nhận nhiều bề mặt khác nhau và phát triển xúc giác, bạn hãy cho bé thử cầm nắm nhiều các loại vật dụng bằng chất liệu khác nhau như khăn quàng cổ bằng nhung hoặc ti giả. Hãy đảm bảo vật dụng bạn chọn được làm sạch.
Vận động thô
– Khi nằm, đầu của bé thường ở vị trí thẳng, cũng có thể tự do quay sang hai bên. Hai cánh tay hoặc là đồng thời vươn ra ngoài hoặc chắp lại đặt ở chính giữa. Hai chân lúc thì co lại, lúc thì duỗi thẳng.
– Khi để bé nằm sấp trên bàn, bé ngóc đầu dậy, và có thể giữa thẳng đầu. Khi bé ngóc đầu dậy, cằm có thể rời khỏi mặt bàn khoảng 5 – 7,5cm, góc độ đạt đến 450. Lúc này bé có thể khống chế được đầu của mình.
– Khi nằm sấp, bé có thể tự động gập hai tay lại, chống hai tay để nâng ngực lên, đã có thể duỗi thẳng đùi.
– Khi ngồi, bé có thể giữ thẳng đầu, nhưng chưa ổn định, nếu hơi lay động thì đầu của bé sẽ gập về trước.
– Dùng hai tay đỡ lấy nách để bé đứng dậy, sau đó thả ra và ở trong tư thế bảo vệ, bé có thể đứng được trong một thời gian ngắn, sau đó 2 gối sẽ co lại.
Vận động tinh
– Đặt đồ chơi có tay cầm vào tay bé, bé có thể cầm lấy và đưa lên khoảng 30 giây. Nếu đổi sang đồ chơi hình tròn thì bé cũng sẽ chủ động cầm lấy và đưa lên.
– Khi nằm ngửa, bé sẽ cầm lấy quần áo hoặc tóc của mình.
– Hai tay không còn nắm lại nữa, khi đưa đồ chơi cho bé, không nên giật ra rồi lại đưa lại.
– Thích cho những vật cầm trong tay vào miệng.
Khả năng thích ứng
– Ôm bé đến cạnh bàn, sau đó đặt những thứ đồ chơi bắt mắt lên trên bàn, bé sẽ nhanh chóng chú ý đến chúng.
– Khi lấy đồ chơi trên bàn đi, và ôm bé đến cạnh bàn, bé sẽ chú ý đến mặt bàn.
– Khi nằm ngửa, đặt đầu bé quay sang một bên, người lớn cầm đồ chơi đưa cho bé nhìn; sau khi bé đã chú ý đến đồ chơi thì cầm chậm di chuyển sang phía bên kia, hai mắt bé sẽ nhìn theo đồ chơi cho đến chính giữa. Khi di động đồ chơi trước mặt bé, hai mắt bé di chuyển theo đồ chơi nhưng vẫn chưa thể bắt lấy.
– Khi để vật bắt mắt tronng tầm nhìn của bé, bé có thể nhìn chăm chú liên tục.
– Khi đặt vật ở nơi trẻ có thể nhìn thấy, sau khi nhìn thấy vật, bé sẽ ngọ ngoạy hai tay.
– Bế bé đến gần bàn, cho một quả bóng lăn từ bên này sang bên kia, bé sẽ chú ý vào quả bóng nhưng mắt nhìn vẫn chưa liên tục.
Ngôn ngữ
– Bé đã có thể tự do phát ra những âm thanh có hai âm tiết.
– Khi có người đùa chơi với bé, bé sẽ phát ra tiếng cười.
– Khi nhìn thấy những vật mình thích, bé sẽ rất phấn khích như : thở mạnh, tay chân ngọ ngoạy…
Hành vi giao tiếp
– Khi nhìn thấy vú mẹ hoặc bình sữa, bé sẽ có biểu hiện vui mừng và lộ vẻ chờ đợi.
– Khi nhìn thấy gương mặt quen thuộc, bé sẽ quay người một cách phấn khích.
– Khi có người nói chuyện với bé, toàn bộ cơ thể bé sẽ tham gia vào cuộc nói chuyện, tay mở ra, một hoặc hai cánh tay đưa lên, tay chân đều có những biểu hiện nhịp nhàng theo ngữ điệu của người nói.
– Đôi lúc, bé sẽ bắt chước biểu cảm trên gương mặt của người lớn nói chuyện, bé sẽ mở to miệng và mắt; khi người lớn thè lưỡi ra, bé cũng sẽ làm động tác giống như vậy.
Nguồn – TH – Newborn-baby