Bé thường trớ ra một ít sữa mỗi khi bú xong làm mẹ rất lo lắng. Đây là biểu hiện gì và bé có đang bị bệnh hay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp các thắc mắc của mẹ về hiện tượng này.
Thế nào là nôn trớ?
Nôn và trớ thực chất là hai khái niệm riêng biệt. Nôn là một hành động đẩy mạnh các chất chứa trong dạ dày vọt ra ngoài, với sự tham gia của nhiều cơ ở bụng, ngực và vùng hầu họng. Thông thường nôn sẽ được dự báo trước bởi cảm giác buồn nôn. Còn trớ là hiện tượng gần như tương tự nhưng nhẹ nhàng hơn, bé không gắng sức và không cần sự tham gia của nhiều cơ như nôn, đồng thời trớ xảy ra bất ngờ và không được báo trước. Dù khác nhau, hai khái niệm này thường kết hợp để mô tả hiện tượng thức ăn từ dạ dày được đưa ngược qua thực quản và ra ngoài miệng.
Nôn trớ là tình trạng rất phổ biến ở các bé dưới 1 tuổi nên mẹ không cần quá lo lắng. Dù vậy, mẹ nên phân biệt được các loại nôn trớ để có thể đánh giá đúng tình trạng sức khoẻ của bé.
Vậy có bao nhiêu loại nôn trớ?
Có hàng chục lý do làm bé bị nôn trớ, nhưng nhìn chung có thể tạm chia làm 2 nhóm: nôn trớ bệnh lý và sinh lý. Nôn trớ bệnh lý chỉ xảy ra khi bé gặp bất thường như viêm ruột, tắc ruột do nhiều nguyên nhân bẩm sinh cũng như mắc phải, hoặc do tác dụng ngoại ý của thuốc đang sử dụng, hoặc do các bệnh lý về chuyển hoá hay não bộ, v.v… Nhận biết nôn bệnh lý là nôn diễn ra ngày càng nặng, bé đừ, mệt, bỏ bú, hoặc nôn kéo dài kèm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của bé. Lúc này, mẹ cần cho bé đến bác sĩ để được điều trị.
Trái lại, nôn trớ trào ngược là hiện tượng sinh lý thường thấy ở 60% các bé nhỏ khoẻ mạnh, có những đặc điểm như không nôn trớ nhiều, không nôn vọt, bé chỉ nôn ra thức ăn lỏng, sau trớ bé vẫn vui vẻ và sẵn sàng cho cữ bú kế tiếp, bé vẫn phát triển về thể chất và tinh thần bình thường. Sở dĩ có hiện tượng này là do các cơ quan của bé chưa trưởng thành hoàn toàn. Khi mới chào đời, dạ dày của bé hiện vẫn còn nằm ngang, cơ thắt dưới thực quản thường xuyên mở ra, thể tích dạ dày nhỏ dễ bị “quá tải”… Thức ăn của bé trong giai đoạn này chủ yếu ở thể lỏng, bé lại hay nằm nhiều, thức ăn dễ ứ đọng lâu trong dạ dày làm bé dễ bị nôn trớ, nhất là mỗi khi bé ho, vặn mình hoặc bú quá no. Bé sẽ tự động hết nôn trớ trào ngược khi được 6-12 tháng. Bé nào vẫn còn nôn trớ thường xuyên đến sau 18 tháng, hoặc xuất hiện các biến chứng do nôn trớ gây ra thì tình trạng đó không còn gọi là sinh lý nữa mà trở thành bệnh lý.
Hy vọng bài viết trên có thể giúp mẹ yên tâm hơn khi bé yêu nôn trớ. Ngoại trừ nôn trớ bệnh lý, có nhiều cách có thể giúp mẹ khắc phục tình trạng nôn trớ sinh lý cho bé. Trong đó, hiệu quả nhất chính là biện pháp thay đổi chế độ ăn mà tiêu biểu là mẹ cho bé dùng sản phẩm dinh dưỡng được làm đặc nhờ một lượng cacbohydrate được thay thế bằng một lượng tinh bột bắp với tỉ lệ nhỏ hơn 2g/ 100 ml, phù hợp với tiêu chuẩn của Codex. Ngoài ra, khi lựa chọn cho bé, mẹ cần đảm bảo sản phẩm dinh dưỡng này cung cấp đủ các dưỡng chất quan trọng khác để bé phát triển toàn diện như: Hệ chất xơ hòa tan prebiotic GOS: FOS & men vi sinh probiotic Bifidobacterium BB-12 hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa của trẻ; các dưỡng chất DHA, ARA, lutein hỗ trợ phát triển trí não; Nucleotide giúp tăng hệ miễn dịch cho bé. Chúc bé của mẹ luôn khoẻ mạnh.
PGS. TS. BS Nguyễn Anh Tuấn
Phó Chủ nhiệm bộ môn Nhi – ĐHYD TP.HCM
Thư ký Chi hội Tiêu hoá, Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa Việt Nam
Theo : https://www.vinamilk.com.vn